Mục Lục
Da mặt bị dị ứng là tình trạng không ít người gặp phải và gây ra nhiều khó chịu cũng như để lại những tổn thương nhất định cho làn da. Có nhiều lý do khiến cho da mặt dị ứng, mẩn đỏ và trong đó các yếu tố bên ngoài như môi trường sống, thời tiết, nhiệt độ… cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp. Đối với tình trạng da mặt dị ứng thời tiết, chúng ta có thể xử lý nhanh bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc nhờ tới sự điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả cao hơn. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn các cách để cải thiện hiện tượng dị ứng thời tiết ở mặt mà ai cũng có thể tự thực hiện ngay ở nhà.
Nguyên nhân da mặt bị dị ứng thời tiết
Giống với tên gọi, da mặt dị ứng thời tiết là do làn da đang phản ứng lại với những tác nhân từ môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, khí hậu… khi chúng có dấu hiệu thay đổi thất thường và đột ngột. Khi đó, cơ thể chúng ta sẽ bị kích thích mạnh mẽ và tạo ra kháng nguyên, tiếp đó chúng sẽ phá hủy phức hợp giữa histamin và protein khiến cho histamin được giải phóng. Điều này lý giải vì sao khi bị dị ứng thì da mặt của chúng ta thường có các vết mẩn đỏ và cảm giác ngứa ngáy, châm chích.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng dị ứng thời tiết cũng có thể dễ xảy ra hơn ở những người mắc một số bệnh lý như sau:
- Hen suyễn, viêm mũi dị ứng
- Viêm da cơ địa
- Cơ địa nóng trong, thường xuyên mẩn ngứa hoặc nổi mề đay
- Hệ miễn dịch kém
- Da nhạy cảm, da khô
Dấu hiệu dị ứng thời tiết trên mặt
Về cơ bản, hiện tượng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, chúng sẽ sản sinh ra histamin khiến cho người bị dị ứng sẽ có một vài dấu hiệu thường gặp như sau:
1. Da mặt ngứa, châm chích hoặc rát nhẹ
Đây là triệu chứng mà hầu hết ai bị dị ứng thời tiết cũng đều gặp phải. Theo đó, bạn sẽ cảm thấy ngứa râm ran ở những vùng da nhất định nhưng sau đó chúng sẽ có thể lan rộng ra khắp mặt, thậm chí là xuống cổ và các vùng da khác trên cơ thể. Với tình trạng này, lời khuyên dành cho bạn là tuyệt đối không nên gãi và chà xát mạnh lên da mặt bởi hành động đó sẽ khiến cho da tổn thương và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
2. Da mặt sưng đỏ
Khi các mức độ dị ứng trở nên nặng hơn thì làn da của chúng ta sẽ bắt đầu sưng tấy và đỏ rát hơn nhiều. Đặc biệt, các triệu chứng này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi bạn để da tiếp xúc với môi trường bên ngoài mà không có biện pháp bảo vệ da phù hợp.
3. Da nổi mẩn đỏ, sần sùi
Da mặt dị ứng nổi mẩn đỏ do thời tiết là biểu hiện khá nghiêm trọng, chúng giống với các trường hợp nồi mề đay. Với những người có hệ miễn dịch kém thì có thể còn gặp phải các hiện tượng như khó thở, tụt huyết áp. Do đó, khi thấy làn da có dấu hiệu này thì bạn nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Da khô ráp và nhanh lão hóa hơn
Nếu để tình trạng dị ứng thời tiết kéo dài thì làn da của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Phổ biến nhất là việc da mặt khô ráp rõ rệt do mất nước, đồng thời điều này cũng vô tình khiến cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn.
Cách xử lý khi da mặt dị ứng thời tiết
1. Chườm lạnh làm dịu da
Đây là một trong những mẹo chữa dị ứng mặt do thời tiết vô cùng đơn giản và đem lại hiệu quả tương đối tốt với những người bị dị ứng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Khi chườm lạnh bạn sẽ thấy dễ chịu hơn do làn da được làm dịu đi, giảm ngứa và nóng rát nhanh chóng.
Cách thực hiện:
Bước 1: Làm sạch da mặt để loại bỏ bụi bẩn
Bước 2: Sử dụng đá lạnh bọc vào một chiếc khăn sạch để chườm lên mặt hoặc có thể dùng trực tiếp đá lạnh thoa lên da. Tuy nhiên, hãy lưu ý không để đá lạnh tiếp xúc với một vùng da quá lâu vì có thể khiến da bị bỏng lạnh
Bước 3: Sau khoảng 10 – 15 phút thì rửa mặt lại với nước mát. Với phương pháp này bạn có thể thực hiện bất cứ khi nào bạn cảm thấy da mặt có dấu hiệu ngứa và khó chịu.
2. Dùng khổ qua để giảm ngứa rát da
Cách thực hiện:
Bước 1: Dùng 1 quả khổ qua (mướp đắng), rửa sạch, bỏ ruột rồi đem ngâm với nước muối pha loãng trong 15 phút
Bước 2: Đem khổ qua đã để ráo nước đi xay nhuyễn
Bước 3: Đắp khổ qua lên mặt khoảng 15 phút và cuối cùng rửa mặt lại với nước. Ngay sau khi thực hiện, bạn sẽ thấy cảm giác ngứa rát bên ngoài da được giảm thiểu nhanh chóng.
3. Diệt khuẩn, kháng viêm với nước muối sinh lý
Đây cũng là một trong những cách xử lý khi da mặt bị dị ứng được các bác sĩ khuyên nên làm. Nước muối sẽ có tác dụng diệt trừ vi khuẩn, làm dịu da, giảm ngứa và đặc biệt là chống viêm nhiễm, bội nhiễm cho da.
Cách thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch mặt sau đó thấm khô bớt
Bước 2: Dùng bông gòn hoặc bông tẩy trang thấm vào nước muối sinh lý rồi lau nhẹ nhàng khắp mặt
Bước 3: Sau khoảng 2 – 3 phút thì rửa mặt lại với nước mát.
4. Giảm viêm, giảm ngứa với lá hẹ
Ngoài những cách trên thì dùng lá hẹ cũng là một phương pháp để giảm ngứa cho da mặt đang bị dị ứng thời tiết khá hiệu quả.
Cách thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch 1 nắm lá hẹ tươi
Bước 2: Hơ lá hẹ qua bếp than cho hơi nóng nhẹ
Bước 3: Dùng lá hẹ đó thoa lên vùng da mặt đang bị tổn thương do dị ứng
Một số cách chữa da mặt dị ứng thời tiết khác
1. Sử dụng thuốc bôi ngoài da
Khi thăm khám, các bác sĩ thường sẽ dựa vào mức độ tổn thương của da để cho bạn sử dụng một vài loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng điều trị da mặt bị dị ứng hiệu quả. Trong số đó, phổ biến nhất là những loại sau đây:
Kem bôi Phenergan: Thành phần chính của chúng là Promethazine với khả năng kháng histamine, từ đó giảm triệu chứng dị ứng trên da nhanh chóng.
Thuốc bôi corticoid: Bạn cần lưu ý rằng loại thuốc này chỉ được dùng khi da mặt dị ứng ở mức độ nặng. Chúng có thể giảm các triệu chứng rất nhanh nhưng đồng thời nếu sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng thì có thể gây ra hiện tượng kích ứng, teo da… Vì thế, bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ đối với loại thuốc bôi này.
Thuốc bôi Menthol 1%: Đây là hoạt chất được chiết xuất từ cây bạc hà nên khi sử dụng sẽ đem lại công dụng làm mát và giảm ngứa cho da. Thông thường khi làn da bị đau rát hoặc viêm nhẹ thì sẽ được chỉ định bôi loại thuốc này.
2. Sử dụng thuốc uống
Một trong những loại thuốc uống được sử dụng nhiều cho các trường hợp dị ứng da mặt đó là thuốc kháng histamine. Khi việc sử dụng thuốc bôi ngoài da không đem lại hiệu quả cải thiện nhiều và mức độ tổn thương trên diện rộng thì các bác sĩ có thể sẽ cho bạn sử dụng loại thuốc uống này. Tác dụng chính của nó là ức chế sự giải phóng của histamine, qua đó ngăn ngừa triệu chứng ngứa và viêm nhiễm. Lưu ý, không nên tự uống thuốc kháng histamine khi chưa có chỉ định từ các bác sĩ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
3. Tăng cường miễn dịch thông qua chế độ ăn uống
Việc tăng cường sức đề kháng sẽ giúp cơ thể nhanh phục hồi khi dị ứng thời tiết hơn. Theo đó, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như:
- Cần tây: Hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa trong cần tây sẽ giúp cải thiện các triệu chứng khi da bị dị ứng
- Cà rốt: Hoạt chất Beta carotene trong cà rốt có công dụng bảo vệ da, xoa dịu những tổn thương trên da mặt
- Dưa hấu: Loại trái cây này rất phù hợp với những người đang bị dị ứng thời tiết. Nhờ các chất xơ cùng nhiều loại vitamin khác nhau mà ăn dưa hấu sẽ giúp thanh nhiệt, thúc đẩy đào thải độc tố để da nhanh hồi phục
- Sữa chua: Lợi khuẩn trong sữa chua rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể
4. Bổ sung vitamin C và omega-3
Vitamin C sẽ giúp tăng sức đề kháng và các thực phẩm giàu omega-3 sẽ có khả năng chống viêm tự nhiên cho làn da dị ứng thời tiết.
5. Hạn chế các thực phẩm dễ gây kích ứng
Trong quá trình điều trị dị ứng thời tiết, chúng ta nên hạn chế một vài thực phẩm như tôm, cua, lúa mì, đồ cay nóng, nước ngọt có ga… để tránh làm tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Uống đủ nước
Tác dụng của uống đủ nước là giúp cung cấp độ ẩm cho da, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố và giữ cho da không bị khô, bong tróc.
Có thể nói, da mặt dị ứng thời tiết là tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hi vọng với những cách chăm sóc da khi dị ứng thời tiết được gợi ý ở trên sẽ giúp bạn nhanh chóng xử lý được hiện tượng này và tránh làm da tổn thương.