EGCG là gì? Lợi ích, liều lượng và tác dụng phụ với sức khỏe

Nếu chỉ nghe về tên khoa học thì chắc hẳn có rất nhiều người không biết EGCG là gì. Thực chất, EGCG là viết tắt của Epigallocatechin gallate và nó được tìm thấy nhiều nhất là ở trong trà xanh. Nói đến đây chắc bạn đã thấy quen thuộc hơn nhiều bởi trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách. Để tìm hiểu chi tiết hơn về EGCG, hãy theo dõi bài viết dưới đây.

EGCG là gì?

Hiểu một cách đơn giản, EGCG là một loại hợp chất có nguồn gốc thực vật được gọi là catechin. Trong đó, catechin có thể được phân loại thêm vào một nhóm lớn hơn của các hợp chất thực vật được gọi là polyphenol. Do đó, có thể coi EGCG là một loại polyphenol tự nhiên.

EGCG được tìm thấy nhiều nhất ở trong trà xanh
EGCG được tìm thấy nhiều nhất ở trong trà xanh

Theo các nghiên cứu khoa học, EGCG và các catechin có liên quan khác sẽ hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh, từ đó chúng có khả năng bảo vệ và chống lại các tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra.

Nếu bạn chưa biết thì gốc tự do là những phần tử có tính phản ứng cao được hình thành trong cơ thể. Khi số lượng các gốc tự do tăng lên quá cao, chúng có thể phá hỏng các tế bào. Chính vì thế, nên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như catechin vào thực đơn hàng ngày để hạn chế tác hại của các gốc tự do.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng các catechin như EGCG còn có tác dụng giảm viêm và ngăn ngừa một số bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư.

EGCG tồn tại tự nhiên trong một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng và thường được bán dưới dạng chiết xuất.

Một số loại thực phẩm tự nhiên chứa EGCG

EGCG có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò là hợp chất hoạt động chính trong trà xanh. Trên thực tế, nhờ EGCG mà việc uống trà xanh được cho là đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.

Mặc dù EGCG chủ yếu được tìm thấy trong trà xanh, nhưng nó cũng tồn tại với một lượng nhỏ trong các loại thực phẩm khác có thể kể đến như:

  • Trà: trà xanh, trà trắng, trà ô long và trà đen
  • Trái cây: nam việt quất, dâu tây, dâu đen, kiwi, anh đào, lê, đào, táo và bơ. Bên cạnh đó, giảm cân bằng trái cây cũng là phương pháp được nhiều người áp dụng để có được vóc dáng thon gọn hơn.
  • Các loại hạt: quả hồ đào, quả hồ trăn và quả phỉ
Ngoài trà xanh, EGCG còn có trong một số loại trái cây như dâu tây, nam việt quất...
Ngoài trà xanh, EGCG còn có trong một số loại trái cây như dâu tây, nam việt quất…

Bên cạnh đó, ngoài catechin thì các loại hợp chất khác như epicatechin, epigallocatechin và epicatechin 3-gallate có thể mang lại những lợi ích tương tự và chúng cũng được tìm thấy ở trong nhiều loại thực phẩm.

Theo đó, rượu vang đỏ, sô cô la đen, các loại đậu và hầu hết trái cây là một vài ví dụ về các loại thực phẩm cung cấp một lượng lớn catechin giúp tăng cường sức khỏe.

Lợi ích của EGCG đối với sức khỏe

Các thí nghiệm trên động vật cùng một số nghiên cứu trên người đã chỉ ra rằng EGCG mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Nổi bật nhất là tác dụng giảm viêm, hỗ trợ giảm cân và giúp cải thiện sức khỏe của tim mạch và não bộ. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm những nghiên cứu để phân tích rõ hơn về việc liệu có nên dùng EGCG để điều trị bệnh hay không. Một vài công dụng được nhắc đến nhiều nhất như sau:

1. Tác dụng chống oxy hóa và chống viêm

Đây là tác dụng được nhắc đến nhiều nhất, EGCG có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ đồng thời giúp giảm căng thẳng và viêm nhiễm. Theo đó, EGCG sẽ bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại do căng thẳng và ngăn chặn sự hoạt động của các hoạt chất gây viêm được tạo ra trong cơ thể, chẳng hạn như yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-alpha).

Theo một vài nghiên cứu, các chuyên gia cho biết sự căng thẳng và viêm nhiễm có liên quan đến nhiều loại bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Do đó, tác dụng chống viêm và chống oxy hóa của EGCG được cho là một trong những lý do chính để ứng dụng hợp chất này trong ngăn ngừa bệnh.

EGCG được cho là có khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư
EGCG được cho là có khả năng ngăn ngừa một số bệnh ung thư

2. Tốt cho tim mạch

Nghiên cứu cho thấy rằng EGCG trong trà xanh có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp, cholesterol và hạn chế sự tích tụ mảng bám trong mạch máu. Đây cũng chính là tất cả các yếu tố chính gây nên bệnh tim.

Trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần ở 33 người, uống 250 mg chiết xuất trà xanh có chứa EGCG mỗi ngày giúp giảm đáng kể 4,5% cholesterol LDL (có hại). Một nghiên cứu khác ở 56 người dùng liều 379mg chiết xuất trà xanh đều đặn mỗi ngày trong 3 tháng cho thấy dấu hiệu giảm huyết áp, cholesterol và các dấu hiệu viêm một cách đáng kể. Mặc dù những kết quả này rất đáng khích lệ, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về cách EGCG trong trà xanh có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim.

Uống trà xanh có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol trong máu
Uống trà xanh có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol trong máu

3. Giảm cân

Một lợi ích khác rất được quan tâm, nhất là ở nữ giới đó là EGCG cũng có thể thúc đẩy giảm cân , đặc biệt là khi dùng cùng với caffeine tự nhiên có trong trà xanh.

Mặc dù phần lớn kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của EGCG đối với cân nặng là không đồng nhất, nhưng một số nghiên cứu quan sát dài hạn đã cho thấy rằng tiêu thụ khoảng 2 tách (14,7 ounce hoặc 434 ml) trà xanh mỗi ngày có liên quan đến việc giảm mỡ và cân nặng. Các nghiên cứu bổ sung trên người đã cùng phát hiện ra rằng uống 100–460 mg EGCG cùng với 80–300 mg caffein trong ít nhất 12 tuần cũng có tác động tích cực đến việc giảm cân và giảm lượng mỡ trong cơ thể.

Tuy nhiên, những thay đổi về trọng lượng hoặc thành phần cơ thể không được chứng minh một cách rõ ràng khi EGCG được sử dụng mà không có caffeine.

Trà xanh có mặt trong chế độ giảm cân của nhiều người
Trà xanh có mặt trong chế độ giảm cân của nhiều người

4. Cải thiện não bộ

Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng EGCG trong trà xanh có khả năng cải thiện chức năng tế bào thần kinh và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa não. Bên cạnh đó, thí nghiệm trên loài chuột cho thấy kết quả việc tiêm EGCG đã cải thiện đáng kể tình trạng viêm, cũng như phục hồi và tái tạo tế bào thần kinh ở chuột khi bị chấn thương tủy sống.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu quan sát ở người đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc uống nhiều trà xanh và giảm nguy cơ suy giảm não do tuổi tác, cũng như bệnh Alzheimer và Parkinson. Tuy nhiên, các dữ liệu này cũng chưa hoàn toàn có sự thống nhất. Hơn nữa, vẫn chưa rõ liệu có phải do chính EGCG hay có lẽ là các thành phần hóa học khác của trà xanh có những tác dụng này hay không. Vì vậy, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn liệu EGCG có thể ngăn ngừa hoặc điều trị hiệu quả các bệnh thoái hóa não ở người hay không.

Liều lượng EGCG lý tưởng cho cơ thể

Mặc dù EGCG đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, nhưng tác dụng vật lý của nó cũng khá đa dạng. Một số chuyên gia tin rằng điều này có thể là do EGCG dễ dàng bị phân hủy khi có oxy và nhiều người không hấp thụ nó một cách hiệu quả trong đường tiêu hóa.

Điều này vẫn chưa được lý giải một cách chi tiết nhưng trong thực tế cũng có nhiều trường hợp rất nhiều EGCG đi qua ruột non quá nhanh và cuối cùng bị phân hủy bởi vi khuẩn trong ruột già. Do đó, điều này đã làm cho việc khuyến nghị liều lượng cụ thể trở nên khó khăn.

Một tách (8 ounce hoặc 250 ml) trà xanh đã pha thường chứa khoảng 50–100 mg EGCG. Liều lượng sử dụng trong các nghiên cứu khoa học thường cao hơn nhiều, nhưng không có một lượng chính xác. Một nhóm các nhà nghiên cứu đề xuất mức tiêu thụ an toàn là 338 mg EGCG mỗi ngày khi tiêu thụ ở dạng bổ sung rắn. Đặc biệt hãy lưu ý rằng tiêu thụ hàng ngày một lượng bằng hoặc trên 800 mg EGCG có thể sẽ làm tăng nồng độ transaminase trong máu – chỉ số về tổn thương gan.

Một tách trà xanh 250ml đã pha thường chứa khoảng 50–100 mg EGCG
Một tách trà xanh 250ml đã pha thường chứa khoảng 50–100 mg EGCG

Một số tác dụng phụ bạn cần biết

1. Ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn vẫn cần lưu ý là EGCG không an toàn 100% và vẫn có một vài rủi ro. Trên thực tế, chất bổ sung EGCG có liên quan đến các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể kể đến như:

  • Suy gan và thận
  • Chóng mặt
  • Lượng đường trong máu thấp
  • Thiếu máu
EGCG có thể gây ra tác dụng phụ với gan và thận
EGCG có thể gây ra tác dụng phụ với gan và thận

Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng những tác động tiêu cực này có thể liên quan đến sự ô nhiễm độc hại của các chất bổ sung chứ không phải do chính EGCG, nhưng bất kể, bạn nên hết sức thận trọng nếu đang cân nhắc sử dụng chất bổ sung này.

2. Ảnh hưởng tới phụ nữ đang mang thai

Đặc biệt, không nên dùng liều bổ sung EGCG nếu bạn đang mang thai vì nó có thể vì nó có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống của em bé. Nguyên nhân đó là chúng sẽ cản trở sự trao đổi chất của folate – một loại vitamin B cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Ngoài ra, với phụ nữ đang cho con bú, EGCG vẫn chưa được chứng minh là có an toàn hay không, vì vậy tốt nhất bạn nên tránh dùng nó cho đến khi có thêm nghiên cứu.

Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên bổ sung EGCG khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên bổ sung EGCG khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ

3. Ảnh hưởng tới công dụng của một số loại thuốc

Các bác sĩ cho rằng, EGCG cũng có thể cản trở việc hấp thụ một số loại thuốc kê đơn, bao gồm một số loại thuốc hạ cholesterol và chống loạn thần kinh. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn, hãy luôn tham khảo ý kiến ​​của những người có chuyên môn trước khi bắt đầu một chế độ ăn uống bổ sung mới.

Có thể thấy, EGCG là một hợp chất đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể nếu được dùng đúng cách với một liều lượng phù hợp. Tuy vậy, nếu bạn đang có một số bệnh lý thì hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ để biết liệu EGCG có gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể bạn hay không.